Trang nhà
Lời Phật dạy
Từ bi trí huệ
Tết Nguyên Đán
Đại Lễ Phật Đản
Đại Lễ Vu Lan
Giác ngộ
Nghi lễ
Tự viện
 

Ý nghĩa giáo dục trong đạo Phật

Đăng bài 15/5/2016 03:23:51 AM  |  Cập nhật 15/5/2016 03:34:33 AM
Thẻ: Đạo Phật, thành đạo, trí huệ, giáo dục
tutamvatutuong
HT. THÍCH TRÍ QUẢNG

Chúng ta nhận thấy khi Phật tử đông, nhưng Phật giáo bị suy đồi vì thiếu người có trình độ hiểu biết lãnh đạo. Và khi Phật giáo hưng thạnh thì có Phật tử trí thức ra đời. Nhìn thấy được điều này, chúng tôi mới có hướng xây dựng thế hệ kế tiếp phát huy tri thức và đạo đức.

Đức Phật dạy trong các pháp cúng dường Phật thì việc giáo dục thế hệ kế tiếp nối tiếp mạng mạch Phật pháp là điều quý nhất. Vì vậy, khi còn là nghiên cứu sinh, tôi luôn để tâm đến vấn đề giáo dục. Giáo dục không phải chỉ có nghĩa là đứng lớp giảng dạy, nhưng dạy theo tinh thần Phật giáo là tùy hoàn cảnh mà giúp mọi người phát triển trí tuệ.

Chúng ta học ở trường lớp, hay học trong cuộc sống đời thường, hoặc tu tập thiền quán, đọc kinh, cũng nhằm phát triển trí tuệ. Trí tuệ này có tính cách phổ biến, càng rộng càng tốt. Đức Phật là bậc Chánh biến tri, tức mọi việc xảy ra trong cuộc đời, Ngài đều biết chính xác, vì đã có kinh nghiệm quá khứ và sáng suốt giải quyết hiện tại. Riêng tôi, khi còn là sinh viên, những gì tôi biết giúp cho các bạn tiến lên để tôi có bạn tốt. Và quả đúng như vậy, tuổi đời của tôi càng lớn, thì tầm nhìn càng chính xác và có được bạn bè tốt, có năng lực mới hợp tác với nhau làm Phật sự, đạt được một số kết quả nhất định.

Đó là kinh nghiệm của bản thân tôi và từ góc độ này, nhìn xa theo ba đời nhân quả thì những gì làm được trong quá khứ sẽ kết thành hiện hữu trong hiện tại và những gì làm trong hiện tại sẽ có được thành quả trong tương lai. Vì vậy, trong hiện tại chúng ta có nhiều bạn tốt, nhiều bạn có năng lực là do công phu tu tập của chúng ta đúng với Chánh pháp trong quá khứ. Bạn tốt trong quá khứ sẽ trở thành bạn tốt hôm nay, mà đạo gọi là Linh Sơn cốt nhục, tức chúng ta đã là bạn, đã là anh em trong quá khứ từ thời Phật ở hội Linh Sơn, nên ngày nay, chúng ta mới làm bạn giúp đỡ nhau. Ngược lại, gặp bạn xấu chống đối, thì phải nghĩ đó là trần lao nghiệp chướng mà chúng ta đã tạo trong quá khứ, nên hiện tại nó xuất hiện để gây khó chúng ta. Ý thức như vậy, tất cả những gì không tốt của hiện tại xảy đến, liền nghĩ đến điều không tốt của chúng ta trong quá khứ. Những câu chuyện nhân quả nhiều đời chúng ta thấy rải rác trong kinh điển của Phật là như vậy.

Khi thấy điều không tốt trong hiện tại, chúng ta tìm cách hóa giải. Đối với việc tốt, chúng ta nhân rộng ra. Trong kiếp hiện tại, chúng ta được bạn tốt, nên nuôi điều tốt này để nhân rộng cho kiếp sau. Trong kinh Pháp hoa, phẩm Bồ-tát Tùng địa dũng xuất thứ 15, có vô số Bồ-tát từ đất vọt lên. Chúng ta nghĩ gì về điều này.

Từ đất nẻ mà xuất hiện con người thì không phải là người, nhưng là ma. Vì vậy, không quan niệm từ đất vọt lên là Bồ-tát. Trên cuộc đời này có nhiều trường hợp nghĩ không có mà tự nhiên có để diễn tả Bồ-tát từ đất vọt lên. Thực tế cho thấy khi Phật thành đạo, Ngài thuyết pháp độ năm anh em Kiều Trần Như và năm mươi thanh niên dòng họ Da Xá. Ngài mới bảo mỗi thầy đã đắc quả vị A-la-hán đi một phương. Điều này cũng dễ hiểu, vì sáu mươi người cùng đi vào làng khất thực sẽ là gánh nặng cho làng đó. Vì vậy, người ta bảo Phật có trí tuệ mới dạy mỗi người đi một hướng. Riêng Phật một mình tới thôn Ưu Lầu Tần Loa, chỉ trong một đêm, mà sáng hôm sau Ngài giáo hóa được một ngàn Tỳ-kheo. Còn các Tỳ-kheo khác giáo hóa suốt đời mà không được bao nhiêu người. Điều này diễn tả Bồ-tát Tùng địa dũng xuất chỉ một đêm giáo hóa một ngàn Tỳ-kheo, hay Phật đã giáo hóa họ trong quá khứ. Thật vậy, họ đã từng theo Phật trong quá khứ, nên nay gặp lại là trở thành đệ tử trung thành nhất. Đó là ý Bồ-tát Tùng địa dũng xuất để nói lên mối liên hệ quá khứ. Những người gặp Thế Tôn hôm nay đã từng được Phật dạy trong quá khứ, kể cả vua chúa, trưởng giả. Còn chúng ta là Tỳ-kheo cũng giống như sáu mươi vị Tỳ-kheo ở thời Phật, họ đắc quả A-la-hán rồi mà còn độ người khó, huống chi chúng ta không là A-la-hán thì càng khó khăn vô cùng, gặp tai nạn chúng ta không giải quyết được. Vì vậy, Phật mới khuyên chúng ta không đi một mình.

Lúc đầu, Phật bảo một người đi một phương, nhưng sau Phật lại bảo phải đi ít nhất hai người; vì Phật có trí tuệ thấy Tỳ-kheo đi một mình giáo hóa được, còn Tỳ-kheo khác thì đi một mình sẽ bị mắc nạn, nên Phật không cho đi một mình. Đó là cái thấy sáng suốt của Phật, thấy ba đời nhân quả. Và mỗi khi Phật đi đâu, Ngài dùng thiền quán để thấy mối liên hệ giữa Ngài và chúng sinh trong quá khứ, mới quyết định đi đâu, gặp ai để nói gì, tức Phật sẽ gặp người bạn tốt hay người đối nghịch và Ngài biết cách giải quyết. Chính vì thấy biết chính xác tận cội nguồn như vậy, nên trong suốt cuộc đời giáo hóa, việc khó nào Phật cũng vượt qua được. Cũng vì vậy mà Ngài được tôn danh là đấng Thiện thệ, không có gì ngăn cản được bước đi truyền giáo của Phật và Ngài cũng có đầy đủ 10 hiệu.

Thấy quá khứ, hiện tại và vị lai, thì chúng ta thấy không ai làm thay mình, nhưng mình phải tự làm. Ta làm tốt trong quá khứ, hiện tại sẽ có điều tốt, còn làm xấu ở quá khứ sẽ có quả xấu ở hiện tại. Vì vậy, Phật khuyên không làm ác, chuyên làm lành, giữ tâm luôn thanh tịnh; đó là ý nghĩa sâu xa của đạo Phật. Tâm thanh tịnh, mới thấy đúng và gầy dựng việc tốt trong xã hội, chúng ta sẽ có được những kết quả tốt. Trong lúc đi học, tầm hoạt động của tôi rất tốt đẹp, trong giới bạn hữu, tôi xử sự tốt và nhờ vậy tôi có bạn tốt, nhưng số bạn tốt còn ít ỏi, nên tôi chỉ làm được một số việc tốt ít ỏi. Bạn tốt chưa đông, chúng ta chưa làm được việc lớn. Điển hình như Di Lặc Bồ-tát không hiện thân thành Phật giáo hóa độ sanh ở Ta-bà được, vì quyến thuộc của Ngài chưa thuần thục, bạn tốt chưa nhiều.

Từ chỗ có bạn tốt, chúng ta gầy dựng lần, giúp bạn phát triển trí tuệ để thấy được việc nên làm, việc không nên làm, thì chúng ta sẽ không có hậu quả xấu, mà chỉ có kết quả tốt thôi. Ban đầu, tôi có bạn đi học không lập gia đình. Họ là người thường trong xã hội, nhưng không lập gia đình. Tôi hỏi tại sao. Họ là Phật tử nên có tư duy theo Phật dạy là việc xấu không làm. Việc xấu ở đây không phải là trộm cắp. Việc lập gia đình tốt cũng có, mà không tốt cũng có. Lập gia đình không tốt là thế nào? Đến tuổi phải lập gia đình, nhưng thực tình hai vợ chồng không hiểu nhau, không thương yêu, không chia sẻ được, mà kết hợp với nhau là tai họa, là lập gia đình không tốt. Họ nói không lập gia đình vì chưa tìm được người bạn đồng hạnh đồng nguyện. Người bất hạnh vì lập gia đình với người không cùng lý tưởng, thậm chí không cùng tôn giáo. Thật vậy, hai tôn giáo khác nhau có suy nghĩ khác, yêu cầu khác, mong muốn khác, cho nên sống chung với nhau dễ gây đau khổ. Thà sống độc thân, còn hơn sống chung trong hỏa ngục, họ nói như vậy.

Điều thứ hai, họ nói với tôi rằng vì họ có bệnh di truyền của ông bà cha mẹ, họ đau khổ rồi, nên không muốn truyền bệnh này cho thế hệ kế tiếp. Ví dụ họ bị nhiễm phóng xạ nguyên tử ở Hiroshima, nên có thể sanh đứa con dị tật. Biết sanh con như vậy, họ tuyệt đối không sanh, đó là người có trí tuệ đã được giáo dục tốt. Vì sanh con dị tật đẩy vào cuộc đời làm gánh nặng cho xã hội và cũng làm khổ tâm cho cha mẹ.

Người sống độc thân vì những lý do như vậy, họ vẫn có cuộc sống tốt đẹp. Và lập gia đình là gặp người chia sẻ được niềm vui nỗi buồn thì họ lại nghĩ làm sao sanh con thông minh, khỏe mạnh. Trong đạo Phật, chúng ta gọi điều này là kết thành Bồ-đề quyến thuộc.

Sanh trong cuộc đời này theo đạo Phật có ba nguyên nhân sanh ra. Tất cả những người tu hành hướng đến Niết-bàn, sau khi bỏ thân này, thì bỏ thế giới này, không tái sanh, hay vãng sanh Cực lạc. Người đắc quả A-la-hán, chứng Vô sanh, không còn tái sanh lại cuộc đời này. Nhưng khi phát Bồ-đề tâm có nguyện độ sanh, thì tất cả Bồ-tát từ phát tâm cho đến thành Phật đều có nguyện tái sanh. Vì vậy, chúng ta tu trong pháp của đạo Phật là cầu nguyện các Ngài tái sanh và tạo điều kiện cho các Ngài tái sanh.

htthichtriquang-II
Công chúa Thái Lan Mom Luang Rajadarasri Jayankura (quỳ, giữa), và đoàn phim Đức Phật Thích Ca bao gồm nhà sản xuất phim người Ấn Độ Vinodh Seneviratne và diễn viên Gagan Malik, người đóng vai đức Phật, thăm chùa Huê Nghiêm

Thật vậy, phát Bồ-đề tâm, tu hạnh Đại thừa, điều quan trọng là tạo điều kiện cho Bồ-tát tái sanh độ đời. Có ý nghĩ đó, chúng ta tự làm và khuyên bạn cùng làm là tạo điều kiện cho Bồ-tát tái sanh độ đời. Ta thấy trong kinh Đại thừa nói rằng Phật Thích Ca trước khi tái sanh ở Ta-bà, Ngài làm vua cõi trời Đâu Suất. Đức Di Lặc Bồ-tát cũng làm vua ở trời Đâu Suất là cõi trời có trí tuệ, nên chiêu cảm các vị Bồ-tát có trí tuệ hạ sanh. Khi hạ sanh, các Ngài có trí tuệ thấy nên sanh ở đâu và làm gì. Bấy giờ, tiền thân của Phật Thích Ca là Bồ-tát Hộ Minh ở cung trời Đâu Suất thấy vua Tịnh Phạn là nhà vua hiền lành đức độ và hoàng hậu Ma Gia cũng là bậc mẫu nghi trong thiên hạ. Ngài thấy đó là môi trường tốt để tái sanh, để Ngài có được cơ thể tốt, khỏe mạnh, thông minh. Môi trường tốt là tâm chúng ta tốt, hoàn cảnh tốt, sức khỏe chúng ta tốt, mới sanh được đứa con tốt. Vì vậy, ta tạo điều kiện tốt để sanh con tốt, hay tạo điều kiện tốt để Bồ-tát sanh vào.

Bồ-tát có trí tuệ, nhưng nếu bỏ vào trong cơ thể yếu đuối, bệnh hoạn, đương nhiên không tồn tại được, vì cơ thể luôn gắn liền với tâm linh. Nếu tâm linh mạnh, thì cơ thể cũng phải mạnh; vì nếu tâm linh mạnh mà cơ thể yếu đuối thì cơ thể sẽ chết. Trái lại, nếu cơ thể khỏe mạnh, nhưng tâm linh yếu sẽ thành người khùng điên.

Tạo điều kiện tốt cho Bồ-tát sanh vào làm quyến thuộc là điều khó, chúng ta chưa làm được. Nhưng chúng ta có thể làm được việc nhỏ là tụng kinh, niệm Phật, giữ giới, ăn chay, sống lương thiện, thì cũng chiêu cảm được Bồ-tát nhỏ, hay Phật tử tốt tái sanh vào. Thật vậy, quan sát đạo tràng Pháp Hoa, tôi thấy điều này rất nhiều, gia đình nào biết tụng kinh, niệm Phật, sống tốt thì thường sanh con ngoan, giỏi, thậm chí đứa bé còn nhỏ, nhưng thấy tôi, nó biết chắp tay cúi đầu. Tôi nói nó là Phật tử tái sanh, vì gia đình này thường đi chùa tụng kinh, thì Phật tử chết rồi, muốn tái sanh, họ tìm nhân duyên cảm được để họ vào. Nhờ vậy, đạo tràng Pháp Hoa từng bước phát triển từ ông bà đến cha mẹ và con cháu, ba bốn đời thường tu hành trong giáo pháp của Phật.

Những đứa trẻ được nuôi trong môi trường như thế, lớn lên nó sẽ trở thành học trò giỏi và sau này sẽ gánh vác được việc lớn. Từ ban đầu, tôi chỉ thưởng cho năm, ba em học sinh giỏi của đạo tràng Pháp Hoa, nhưng đến nay, đã có trên một ngàn học sinh giỏi và con số này mỗi năm cứ tăng thêm. Chúng ta tập hợp xây dựng các học sinh giỏi thành người đạo đức, để lớn lên, các em vừa có niềm tin với Tam bảo vừa đóng góp cho cuộc đời, làm cho Phật giáo hưng thạnh, quốc gia phát triển.

Mong rằng các thầy và Phật tử tạo môi trường tốt để Phật tử và Bồ-tát tái sanh thì đất nước và Phật giáo đều hưng thạnh.

Như Giọt Nước Lá Sen Đẹp

Tháng   Năm   
 
 
 
 
 
Tháng  
Ngày  
Giờ  
 
 

Với tâm nguyện góp phần vào công tác hoằng pháp bằng công nghệ thông tin, chuaphat.com trân trọng đăng tải các bài viết về Phật giáo và hoạt động Phật sự.

!!! Nam Mô A Di Đà Phật !!!

 

NỤ CƯỜI BẤT DIỆT
NỤ CƯỜI BẤT DIỆT
TẦM NHÌN GIÁO LÝ PHẬT
Ý NGHĨA CÔNG ĐỨC VÀ PHÚC ĐỨC
XUÂN TRONG ĐẠO PHẬT

© 2024 chuaphat.com  by tinyray